Một số lỗi thường gặp khi sử dụng máy quét mã vạch

 Máy đọc mã vạch bị lỗi và cách khắc phục

1. Phần cứng bị lỗi, nguồn điện kém ổn định:

Nhiều khả năng máy quét mã vạch bị lỗi do gặp vấn đề về phần cứng, và nguồn điện dẫn đến làm việc không hiệu quả. Với máy đọc mã vạch không dây, bạn hãy kiểm tra lại số pin còn lại, nếu dưới 20% thì bạn cần sạc pin ngay.

Với đầu đọc mã vạch có dây, bạn hãy kiểm tra lại tổng thể phần cứng, kết nối điện và usb đã đúng cách hay chưa, dây có đứt hay hư hại không.

Lưu ý giữ vệ sinh đầu đọc mã vạch để sạch sẽ. Một số máy quét mã vạch được sử dụng trong các môi trường ẩm ướt có khả năng bám dầu, mỡ, dấu vân tay, bụi… gây cản trở việc quét mã vạch. Bảo quản ống kính máy đọc mã vạch không bị trầy xước hay hư hỏng dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu bị xước, bạn cần phải sửa chữa cho đầu đọc mã vạch này.

2. Máy quét mã vạch bị cấu hình sai:

Mã vạch hiện tại được chia làm 2 loại như sau: mã vạch 1D và mã vạch 2D. Bạn cần quan tâm chiếc máy quét mã vạch của bạn có thể đọc được mã vạch 1D hay 2D bởi có máy được sản xuất chỉ đọc được 1D, không thể đọc được các mã 2D. Thêm vào đó, hãy chắc chắn rằng mã vạch đã được kích hoạt cho máy quét mã vạch mà bạn đang sử dụng. Kiểm tra cài đặt ký tự tối thiểu và tối đa cho máy quét mã vạch sao cho phù hợp với độ dài các mã vạch để tránh lỗi kỹ thuật trong quá trình sử dụng.

3. Sử dụng máy đọc mã vạch chưa chính xác:

Rất nhiều trường hợp, khách hàng tự cố định máy đọc mã vạch nhưng dưới góc độ không phù hợp dẫn đến việc đọc mã vạch rất khó khăn, hiệu quả thấp, lúc này bạn nên cố định lại máy đọc mã vạch của bạn với sự thay đổi về khoảng cách và góc máy để việc scan có thể hiệu quả hơn. Bạn nên tập trung scan vào một mã vạch thay vì cố scan quá nhiều mã vạch cùng một lúc.

Một điểm nữa là khi mua máy đọc mã vạch, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về các thông số kỹ thuật của mỗi loại máy, những loại code mà máy có thể đọc được bởi vì trên thực tế, không phải bất cứ chiếc máy đọc mã vạch nào cũng có thể đọc hết được tất cả các loại mã. Do đó, để tránh những sai sót trong quá trình làm việc, bạn cần chọn loại thiết bị phù hợp với những mã vạch mà mình cần.

4. Nghe thấy tiếng bíp khi quét nhưng không hiện mã:

Khi máy quét mã vạch hoạt động bình thường, đưa mã vạch vào máy đọc, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng “bíp” vào mã vạch sẽ được giải mã thành các chuỗi ký tự gửi lên máy chủ. Nếu bạn không nhận được ký tự lên máy chủ sau khi nghe tiếng bíp bạn nên kiểm tra lại kết nối giữa máy quét mã vạch mà máy chủ. Kết nối có thể là dây kết nối (với máy quét mã vạch có dây) hoặc thiết bị truyền tín hiệu (máy quét mã vạch không dây). Thêm vào đó bạn cũng nên kiểm tra lại bàn phím xem nó có đang ở trạng thái hoạt động bình thường hay không. Nếu kiểm tra như vậy không khắc phục được kết quả thì có thể đã có lỗi kỹ thuật liên quan đến phần cứng bên trong máy quét, bạn nên liên hệ với nhà cung cấp để có phương án xử lý kịp thời.

5. Máy đọc mã vạch ngừng hoạt động đột ngột, không có đèn báo:

Việc ngừng hoạt động đột ngột đồng thời bị tắt đèn báo có nghĩa là nguồn điện đưa vào máy đang có vấn đề, hoạt động không ổn định. Lúc này bạn nên xem lại nguồn kết nối với máy đọc mã vạch có đang hoạt động ở trạng thái bình thường; kiểm tra lại các dây kết nối, đầu cắm có bị đứt hay hư hại. Nếu tất cả đều bình thường thì khả năng rất cao máy đang bị hỏng các mạch điện ở bên trong và cần bộ phận kỹ thuật chuyên môn sửa chữa, thay thế.

6. Đầu đọc mã vạch không đọc được Code 93 sau thời gian sử dụng:

Thông thường không phải đầu đọc mã vạch nào cũng có thể đọc được tất cả các loại mã; nó phụ thuộc vào thiết kế của nhà sản xuất cho các dòng máy với những chức năng đọc các loại mã khác nhau theo yêu cầu, tính chất của người sử dụng. Tuy nhiên nếu đầu đọc mã vạch đọc được các loại thông dụng mà không đọc được code 93 sau thời gian sử dụng thì rất có thể do một lỗi kỹ thuật, thao tác nào đó khiến chức năng đọc code 93 vô tình bị tắt. Do đó, bạn nên tham khảo lại hướng dẫn sử dụng đi kèm theo máy để tìm cách kích hoạt lại code 93.

Nếu mọi thức quá phức tạp và bạn không tìm được cách kích hoạt lại code 93 cho đầu đọc mã vạch, bạn có thể khôi phục lại cài đặt của đầu đọc về cấu hình mặc định của nhà sản xuất (Default settings). Trên thực tế, có một số hãng đầu đọc mã vạch yêu cầu khách hàng khi mua sản phẩm về phải khôi phục về cấu hình mặc định mới có thể đọc được hết tất cả các mã vạch được định dạng.

7. Máy đọc mã vạch bị treo, đơ, đứng im:

Đây là hiện tượng khá phổ biến ở máy đọc mã vạch, nguyên nhân chính là do máy luôn được đặt trong trạng thái hoạt động thời gian rất dài mà không được tắt đi. Dễ hiểu bởi nhiều cửa hàng làm việc 24/24 liên tục các ngày trong tuần và thường nhân viên không quan tâm đến chiếc máy này nên nó ít khi được tắt đi hoàn toàn. Khi cắm lại vào máy tính để làm việc nó được sử dụng một các liên tục, trong thời gian dài sẽ khiến máy phát sinh những trục trặc do không có thời gian nghỉ ngơi cho máy dẫn đến tình trạng treo, đơ mặc dù các đèn vẫn hoạt động.

Để khắc phục tình trạng này , các bạn nên để máy quét mã vạch ở trạng thái tắt hoàn toàn sau vài ngày làm việc (tốt nhất là tắt đi trong thời gian nghỉ của cửa hàng, sau đó bật lại vào ca làm việc kế tiếp). Làm như vậy giúp cho máy quét hoạt động ổn định hơn và tăng tuổi thọ cao hơn, hạn chế tình trạng treo máy trong khi làm việc.

8. Khả năng tương thích cổng kết nối không phù hợp:

Một nguyên nhân nữa nhưng khá hiếm gặp đó là một máy quét mã vạch tương thích kém với cổng USB 3.0. Với cổng USB 2.0 truyền thống, đa số các loại máy quét mã vạch có thể tương thích với thiết bị khác qua cổng này nhưng một số máy tính đời mới không hỗ trợ cổng USB 2.0 mà đổi hoàn toàn sang cổng USB 3.0. Mặc dù cổng đời mới sẽ cho khả năng kết nối và truyền thông tin cao hơn nhưng nó chỉ tương thích với các thiết bị cũng được hỗ trợ với cổng USB 3.0. Do đó việc sử dụng thiết bị 2.0 cho cổng 3.0 sẽ dẫn tới việc truyền thông tin dữ liệu đôi khi không ổn định, dẫn đến treo máy. Vì vậy ở tình huống này bạn nên chọn máy chủ có hỗ trợ kết nối 2.0 để dễ dàng tương thích với tất cả các loại đầu đọc mã vạch sẽ cho hoạt động của máy ổn định hơn.

 

Bài viết liên quan